Nhập Khẩu - Giải Pháp - Lắp Đặt Chiếu Sáng Chuyên Dụng

Cơ bản về Chiếu Sáng

Cơ bản về Chiếu Sáng

30/10/2022  09:00 AM   |   SỔ TAY

1. Quang thông - Lumen (Lm)

Quang thông, đơn vị Lumen (Lm) là giá trị đo tổng lượng ánh sáng phát ra từ một nguồn sáng / bộ đèn.



2. Độ rọi - Lux (Lx)

Độ rọi, đơn vị Lux (Lx) được sử dụng để đánh giá cường độ ánh sáng cảm nhận được. Cụ thể, đo độ rọi bằng quang thông trên diện tích: Lx = Lm/m2

Độ rọi trung bình còn được gọi là độ sáng. Mỗi khu vực, ngành nghề khác nhau yêu cầu độ sáng khác nhau để đảm bảo chiếu sáng không chỉ đáp ứng được chức năng sử dụng mà còn an toàn, tạo không gian dễ chịu, tốt cho mắt và sức khỏe. 

Độ rọi được tính toán, đo đạc từ độ cao theo mặt phẳng làm việc, Ví dụ, mặt phẳng làm việc của hành lang là sàn, còn mặt phẳng làm việc của bếp là mặt bàn. 

Tiêu chuẩn độ rọi đề xuất

Mức chiếu sáng tối thiểu      
Tất cả các khu vực nói chung   20 lux
Nhà riêng      
Nói chung      150 - 200 lux
Nhà bếp, khu học tập, làm việc, đọc sách  300 - 500 lux
Nơi làm việc chi tiết, gia công  
Văn phòng thương mại      
Nói chung      500 lux
Nơi làm việc với máy tính       300 - 500 lux
Phòng in ấn, hồ sơ    300 lux
Phòng vẽ, thiết kế      750 lux
Khu vực cho nhân viên      
Phòng thay đồ, vệ sinh      100 lux
Phòng ăn trưa    500 - 750 lux
Khu vực lưu thông      
Sảnh và lối vào     200 lux
Quầy lễ tân    500 lux    
Thang máy   100 lux
Hành lang, cầu thang  100 lux
Khu cây xanh  500 - 3000 lux
Dịch vụ  
Phòng điều khiển, máy chủ  300 lux
Phòng máy cơ khí  150 lux
Bếp thương mại  
Khu phục vụ, dọn rửa  300 lux
Khu sơ chế, nấu nướng  500 lux
Kho thực phẩm  150 lux
Cửa hàng bán lẻ  
Cửa hàng bán lẻ nhỏ  500 lux
Siêu thị  750 - 1000 lux
Cửa hàng lớn - hàng gia dụng   1000 lux
Phòng trưng bày  500 - 750 lux
Chế tạo và gia dụng  
Cửa hàng dụng cụ, hàn đồ quang điện  300 - 750 lux
Hàn điểm   500 - 1000 lux
Gia công, lắp ráp vật phẩm lớn  300 lux
Gia công, lắp ráp vật phẩm nhỏ  500 - 1000 lux
Kiểm tra, thử nghiệm  500 - 2000 lux
Nhà kho, kho chứa  
Khu vực xuất nhập hàng hóa, nơi hàng hóa luân chuyển từ kho đến xe chuyên chở và ngược lại     150 lux
Mở gói, tháo dỡ, phân loại      200 lux
Kho lưu trữ vật phẩm lớn   100 lux
Kho lưu trữ vật phẩm nhỏ  200 lux
Quầy giao dịch   500 lux
Đóng gói, gửi hàn  300 lux


3. Cường độ sáng - Candela (Cd)

Cường độ sáng, đơn vị Candala (Cd) là năng lượng phát ra 1 nguồn ánh sáng trong 1 hướng cụ thể. Một nguồn sáng 1 candela sẽ phát ra 1 lumen trên một diện tích 1 mét vuông tại một khoảng cách một mét kể từ tâm nguồn sáng.

4. Góc chiếu - Độ (°)

Góc chiếu, đơn vị Độ (°) là góc tạo ra bởi 2 phương có cường độ sáng tối thiểu bằng 50% cường độ sáng mạnh nhất ở vùng sáng trung tâm.



Góc chiếu thể hiện sự phân bố ánh sáng từ bộ đèn. Một bóng đèn bình thường có góc chiếu là 360°, có nghĩa là ánh sáng phát ra phân số xung quang toàn bộ đèn, cường độ sáng không cao. Các bộ đèn có góc chiếu nhỏ hơn thì cường độ sáng cao hơn vì ánh sáng tập trung hơn. 

Các loại góc chiếu

Góc chiếu   Tên gọi
  ≤ 7°     góc chiếu điểm siêu hẹp (very narrow spot)
8°- 15°    góc chiếu điểm hẹp (narrow spot)
16°- 20°  góc chiếu điểm (spot)
21°- 30°    góc pha hẹp (narrow flood)
31°- 40°    góc pha (flood)
41°- 60°    góc pha rộng (wide flood)
 > 60°  góc rộng (very wide flood)

Lựa chọn góc chiếu

Không phải đèn có góc chiếu càng rộng thì càng tốt. Ưu điểm của góc chiếu rộng là bao trùm hơn do ánh sáng trải rộng hơn. Tuy nhiên, cùng một bộ đèn, khi độ sáng vẫn vậy, góc chiếu càng hẹp thì cường độ sáng càng cao. Độ sáng được đo bằng lumen (quang thông), trong khi cường độ sáng được tính bằng candela (Cd) nên khi góc chiếu càng rộng thì cường độ sáng càng giảm và ánh sáng cũng không chiếu được xa. 

Hơn nữa, bên cạnh góc chiếu rộng hay hẹp, khoảng cách giữa các bộ đèn cũng ảnh hưởng. Ví dụ, nếu chúng ta chọn 4 bộ đèn với góc chiếu 40° và đặt chúng cách nhau 2m trong một căn phòng, bạn có thể thấy có một khu vực tối, thiếu sáng giữa phòng. Lúc này, đổi đèn có góc chiếu rộng hơn có phải là giải pháp không? Câu trả lời là: không cần thiết phải đổi đèn có góc chiếu rộng hơn. Thậm chí, nếu chúng ta đổi 4 bộ đèn sang góc chiếu 60° thì bạn vẫn thấy khu vực ở giữa thiếu sáng. Vậy đâu là giải pháp? Thay vì chỉ dùng 4 bộ đèn, hãy tăng số lượng đèn lên 9 bộ, lúc này độ sáng được đảm bảo và độ đồng đều ánh sáng sẽ cao hơn. Vậy những nơi nào cần góc chiếu sáng hẹp và những nơi nào cần góc chiếu sáng rộng? Dưới đây là một số gợi ý tương ứng với hiệu quả ánh sáng mà góc chiếu mang lại.

Góc chiếu hẹp: dành nơi có trần cao như thư viện, phòng học, làm việc; các khu vực cần chiếu sáng xa như kho kệ, cẩu trục; nơi cần chiếu tập trung vào vật trưng bày như chiếu tranh ảnh…

Ngoài ra hệ số phản xạ cũng liên quan đến việc chọn góc chiếu. Nếu dùng đèn có góc chiếu rộng trong trường hợp phòng có trần, tường, sàn có màu trắng hoặc màu sáng thì ánh sáng sẽ không bị mất đi mà phản xạ lại. Nếu phòng có màu tối thì nên dùng góc chiếu hẹp vì nếu dùng góc chiếu rộng, ánh sáng sẽ bị hấp thụ thay vì phản xạ lại. 

Góc chiếu rộng: dành cho khu vực thư giãn, không cần người dùng phải quá tập trung làm việc gì đó. Các khu vực này không cần cường độ ánh sáng quá cao như phòng khách, nơi diễn ra các hoạt động đơn giản như trò chuyện, xem tivi… 
Góc chiếu rộng trên 60° còn thích hợp cho chiếu sáng trong không gian rộng. Dù đèn không thể cho cường độ ánh sáng cao nhưng ánh sáng sẽ trải đều khắp phòng. Hơn nữa, nếu chọn góc chiếu rộng và chọn bộ đèn với quang thông cao hơn thì chúng ta không phải lắp quá nhiều đèn trong cùng một căn phòng mà độ sáng cũng đồng đều hơn.

Tuy nhiên một số khu vực nhỏ hơn không thích hợp với góc chiếu 60° mà phù hợp hơn với góc 40°, quan trọng là cần đảm bảo ánh sáng đồng nhất và cân xứng, không có vùng quá tối và vùng quá sáng và các bộ đèn không được đặt quá sát gần nhau. 

5. Nhiệt độ màu - Kelvin (K)

Nhiệt độ màu, đơn vị Kelvin (K) chỉ màu sắc mà ánh sáng phát ra. Nhiệt độ màu khác nhau phù hợp với từng khu vực khác nhau, mang lại từng nhiệu ứng khác nhau cho không gian, cảm xác và tâm trạng của người dùng. 

Số K càng thấp càng gần đến ánh sáng càng ấm, càng vàng, cam, đỏ. Như ánh sáng từ ngọn nến là sáng màu đỏ (ngọn lửa) từ 1000K-1900K. 

Khi lên cao hơn trên thang Kelvin, số K càng cao thì ánh sáng chuyển dần sang các màu vàng cam, vàng và ánh sáng xanh lam. Đèn sợi đốt và đèn halogen có giá trị nhiệt độ màu khoảng 2500K-3000K (trắng ấm). Ánh sáng từ mặt trăng tương đương 4000K. Đèn Metal Halide cho ánh sáng từ 4000K-4500K (trắng trung tính). Ánh sáng mặt trời trực tiếp tương đương 4800K. Ánh sáng ban ngày thường thấy ở khoảng 5600K. Bầu trời nhiều mây có thể có mang ánh sáng từ 6000K-7500K (trắng lạnh). Bầu trời trong xanh có thể ở mức 10.000K.

Các loại màu ánh sáng 

Dựa trên nhiệt độ màu, ánh sáng được phân thành 3 loại chính: trắng ấm - vàng (Warm White), trắng trung tính (Natural White) và trắng lạnh (Cold White)


Ánh sáng trắng ấm: nhiệt độ màu từ 2700K đến 3300K. Trong khoảng này, ánh sáng có thể mang màu đỏ nhạt, cam, vàng. 

Ánh sáng trắng trung tính: nhiệt độ màu từ 3300K đến 5300K. Màu ánh sáng có từ vàng pha một ít trắng đến tông trắng nhiều hơn.

Ánh sáng trắng lạnh: nhiệt độ màu từ 5300K trở lên. Tuy nhiên trong điều kiện sử dụng bình thường người ta chỉ sử dụng các loại ánh sáng từ 5300K - 6500K vì ánh sáng có nhiệt độ màu lớn hơn khoảng này sẽ gây chói mắt và gây hại cho thị lực.

Lựa chọn nhiệt độ màu

Trước đây, với các bộ đèn truyền thống như đèn sợi đốt và halogen, lựa chọn về màu ánh sáng, chủ yếu là ánh sáng trắng ấm. Từ đèn huỳnh quang, đèn LED, các bộ đèn LED được sản xuất với mọi màu sắc giúp lựa chọn về ánh sáng đa dạng hơn.

Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn lựa chọn nhiệt độ màu của bộ đèn phù hợp cho nhiệm vụ chiếu sáng của từng không gian và phù hợp với mục tiêu tâm trạng.
Ánh sáng trắng ấm: mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thư giãn và ấm áp nên thường được dùng trong phòng khách, phòng ngủ (tuy nhiên nếu phòng ngủ ở nơi có khí hậu nóng quanh năm thì cần ánh sáng thiên về lạnh hơn để tạo cảm giác mát mẻ), sân vườn…

Phòng khách với ánh sáng vàng

Phòng ngủ với ánh sáng vàng nhẹ 

Ánh sáng vàng cho sân vườn

Ánh sáng trắng trung tính & trắng lạnh: giúp chúng ta tập trung hơn hoặc cần tập trung cho chi tiết vì vậy thường được sử dụng cho văn phòng, nhà xưởng, trung tâm thương mại, phòng trưng bày, khu bếp, khu giặt, vệ sinh, nơi để xe, an ninh…

Phòng đọc sách, thư viện

Khu văn phòng 

Nhà xưởng sản xuất

Khu đỗ xe

6. Chỉ số hoàn màu (CRI)

Bạn không thể phân biệt được sự khác biệt giữa những chiếc áo màu đen và màu xanh nước biển trong tủ quần áo của bạn? Có thể là do nguồn chiếu sáng hiện tại có chỉ số hoàn màu (CRI) quá thấp. Chỉ số hoàn màu được ký hiệu là CRI, phản ánh độ trung thực màu sắc cũng như độ sai lệch màu sắc của vật khi được nguồn sáng chiếu đến.
Không phải tất cả các ánh sáng đều được tạo ra như nhau. Một số ánh sáng hiển thị màu tốt hơn những ánh sáng khác. Chỉ số hoàn màu (CRI) là phép đo cho thấy màu sắc trông như thế nào dưới nguồn sáng khi so sánh với ánh sáng mặt trời. Chỉ số này được đo từ 0 đến 100, với chỉ số hoàn hảo là CRI 100 cho thấy màu sắc hiển thị dưới nguồn sáng đó giống như chúng hiển thị dưới ánh sáng mặt trời tự nhiên. Ánh sáng ban ngày từ mặt trời có chỉ số hoàn màu cao nhất, là ánh sáng có độ trung thực cao nhất. 
Chỉ số CRI chấp nhận được thường ở mức CRI 70 - 80. CRI 90 là chỉ số hoàn màu cao. CRI < 50 là chỉ số hoàn màu thấp, sẽ khiến màu sắc của vật không giống thực tế mà trở nên nhợt nhạt hơn.

Lựa chọn chỉ số hoàn màu
Từng ứng dụng chiếu sáng có yêu cầu về chỉ số hoàn màu khác nhau. 

CRI ≥ 90: nơi cần độ chính xác về màu sắc cực kỳ cao như tủ trưng bày trong bảo tàng, công ty in ấn, xưởng phim, studio chụp ảnh, cửa hàng sơn, dệt may, cửa hàng bán lẻ các sản phẩm có sự thay đổi về màu sắc qua thời gian (thịt, pho mát, sữa, rau củ, các loại bánh…), nơi thực hiện kỹ thuật y khoa (phòng phẫu thuật, phòng thí nghiệm), khách sạn cao cấp…

80 ≤ CRI ≤ 70: đây là tiêu chuẩn chung có thể chấp nhận được cho đa số các ứng dụng chiếu sáng trong nhà như chiếu sáng trong công nghiệp và thương mại. 

60 < CRI < 70: nơi không yêu cầu cao về độ trung thực màu sắc nhưng không được quá sai lệch như nhà kho, phòng tập thể thao, sân chơi, đường phố, bãi đậu xe…

20 < CRI < 50: nơi kông quan trọng đến độ sai lệch màu sắc.

7. Hiệu suất quang (Lm/W)

Hiệu suất quang là hiệu suất chuyển đổi điện năng thành quang năng của đèn, là tỷ số giữa quang thông đầu ra của bộ đèn so với tổng công suất đầu vào (công suất tiêu thụ).
Hiệu suất quang = Lm/W
Hiệu suất quang càng cao thì ánh sáng phát ra càng cao, công suất đèn cần dùng càng thấp, năng lượng tiết kiệm được càng nhiều. 
Đèn LED dùng trong dân dụng thường có hiệu suất quang từ 90-110Lm/W.
Đèn LED dùng cho công nghiệp và chiếu sáng công cộng thường có hiệu suất quang từ 110Lm/W đến 170Lm/W. 

8. Tuổi thọ của bộ đèn
Tuổi thọ của bộ đèn là tuổi thọ trung bình khi bộ đèn hoạt động ở điều kiện điện áp, dòng điện danh định và trong môi trường lý tưởng và được kiểm soát. 
Tuổi thọ của đèn LED phụ thuộc nhiều các yếu tố như các linh kiện (chip LED, driver, tản nhiệt…), nhiệt độ môi trường, điện áp… Chip LED thường tuổi thọ LED đến 100.000 giờ nhưng bộ nguồn (driver) của bộ đèn quyết định đến 45 - 50% tuổi thọ của nó. 
Tuổi thọ của đèn LED thường do nhà sản xuất công bố. Bóng LED bulb thường có tuổi thọ từ 8.000 - 15.000 (tương đương với 6,7 năm sử dụng), LED tube có tuổi thọ từ 20.000 - 25.000 giờ, đèn đường, đèn nhà xưởng, đèn công nghiệp… có tuổi thọ từ 30.000 - 50.000 - 100.000 giờ.

9. Khả năng điều chỉnh độ sáng (Dimming)
Khả năng điều chỉnh độ sáng, Dim / Dimming là khả năng tiết giảm độ sáng của đèn nhằm tiết kiệm năng lượng. Không phải tất cả các sản phẩm đều có chức năng Dim. Chức năng Dim của bộ đèn được thực hiện thông qua Driver (bộ nguồn) có tính năng Dim. 

Các loại Dimming

NoDim
Bộ đèn không có tính năng điều chỉnh độ sáng gọi là NoDim. 

1-10V
Dimming thông qua cổng 1-10V trên driver. Điều chỉnh thay đổi từ 1V đến 10V tương ứng điều chỉnh độ sáng đèn ở mức 10% đến 100% một cách mịn và mượt mà.  
Dimming 1-10V có thể được điều khiển tại đèn hay tại tủ và phải đi thêm 1 đường dây điều khiển lên đèn. Tín hiệu 1-10V là tín hiệu analog điện một chiều, do đó tín hiệu càng đi xa sẽ càng yếu và nhiều sai số đối với trường hợp điều khiển nhiều bộ đèn. 

DALI

Dimming thông qua cổng DALI trên driver. Dimming DALI cũng có thể được điều khiển tại đèn hay tại tủ và phải đi thêm 1 đường dây điều khiển lên đèn. Tín hiệu DALI là tín hiệu digital, do đó nhuyễn hơn và chính xác hơn 1-10V.

Bi-power

Bi-power hoạt độngnhư cơ chế hai cấp công suất ở đèn cao áp, có 2 kiểu: dim tự động theo giờ định sẵn nếu gắn thêm timer (điều khiển tại đèn), hoặc dim tại tủ theo điều khiển của người sử dụng thông qua công tắc.

Programmable 

Programmable là khả năng tiết giảm chiếu sáng cao cấp nhất, cho phép tiết giảm tối đa 5 cấp chiếu sáng tại từng thời điểm tuỳ ý theo lập trình.

Mọi thắc mắc và yêu cầu về Sản Phẩm Đèn LED, Giải Pháp Chiếu Sáng, Thiết Kế Chiếu Sáng, Thông Tin Báo Giá, Chính Sách Bảo Hành... Quý Khách vui lòng bấm số 0909 792 477 hoặc gửi email đến gen@genlite.vn để chúng tôi giải đáp và phục vụ Quý Khách.

Bạn đang xem: Cơ bản về Chiếu Sáng
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Đã xem